UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG TIỂU HỌC KIẾN HƯNG
Hà Đông, ngày 24 tháng 11 năm 2021
BÀI VIẾT CHUYÊN ĐỀ
TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG
Chúng ta đều đã biết rằng: Đổi mới quản lý giáo dục trong nhà trường là một tất yếu khách quan và cũng sự đòi hỏi thật sự cấp thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm mới về quản lý nhà trường là quan điểm hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và phát triển giáo dục trong thời đại hội nhập, kinh tế tri thức và phát triển KH&CN. Vậy đâu là cơ chế để thu hút nhân tài vào ngành nếu không phải là sự trao quyền tự chủ để những người lãnh đạo được chịu trách nhiệm.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên; nhất là với hiệu trưởng, hiệu phó các cơ sở giáo dục phổ thông. Vì vậy, cần đổi mới tư duy về quản trị nhà trường, đặc biệt là quản trị nhân sự.
Công tác quản trị nhà trường, đặc biệt là quản trị nhân sự có vai trò quan trọng, là điều kiện quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Song để quản trị tốt lại không dễ, đó là cả nghệ thuật, đòi hỏi phải có kiến thức, sự tinh tế và khéo léo của người quản lý.
Mô hình mới thể hiện rõ hơn các vai trò của Hiệu trưởng là tập trung vào lãnh đạo để phát triển nhà trường, quan tâm đến tầm nhìn sứ mạng, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường, phải tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về các vấn đề cơ bản: Xây dựng các mục tiêu kế hoạch, tổ chức và nhân sự, dạy học và giáo dục, tài chính và tài sản, huy động cộng đồng với luồng thông tin đa chiều, nhiều luồng…
Những vai trò trên đòi hỏi người Hiệu trưởng cần có những năng lực mới để đáp ứng yêu cầu: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục; Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường; Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.
Vì thế, người Hiệu trưởng cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường. Muốn đạt được những yêu cầu đổi mới trong nhà trường, người Hiệu trưởng cần nghiên cứu những vấn đề sau:
1. Nắm “văn hóa” nhà trường
Văn hóa nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử… đặc trưng của một trường học, tạo nên sự khác biệt với các tổ chức khác. Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý… bầu không khí tâm lý. Thể hiện thông qua các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử… được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận. Vì lẽ đó, vai trò của Hiệu trưởng trong lãnh đạo phát triển văn hóa nhà trường là rất to lớn vì Hiệu trưởng có vai trò quyết định chi phối sự phát triển văn hóa nhà trường.
2. Có chiến lược phát triển
Cần hiểu rằng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường là bản kế hoạch, trong đó có những định hướng lớn thể hiện hình ảnh hiện thực trong tương lai mà nhà trường mong đạt tới và các giải pháp chiến lược để đạt được trên cơ sở khả năng hiện tại, đảm bảo cho nhà trường có được sự phát triển vượt bậc. Cũng cần nắm rõ các khái niệm: Sứ mạng khẳng định mục đích, lý do sự tồn tại của nhà trường, các lĩnh vực phục vụ ưu tiên và cách thức phục vụ nhà trường sẽ thực hiện để thỏa mãn nhu cầu giáo dục học sinh. Giá trị là điều mà nhà trường cam kết thực hiện cho các bên có liên quan, các nguyên tắc chỉ đạo hành vi của các thành viên trong nhà trường. Tầm nhìn là ý tưởng về tương lai của nhà trường có thể đạt được, thể hiện mong muốn của nhà trường và cộng đồng. Tầm nhìn chỉ rõ quang cảnh hiện thực, tin cậy và hấp dẫn của tương lai.Tầm nhìn là mục tiêu vẫy gọi, nó chỉ ra cầu nối từ hiện tại tới tương lai.
3. Phát triển đội ngũ
Đội ngũ cán bộ, viên chức là lực lượng cơ bản tham gia xây dựng và phát triển nhà trường, trong đó đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì vậy, người Hiệu trưởng phải nắm rõ vai trò quản lý của mình. Cụ thể, Hiệu trưởng phải xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo thông qua việc quản lý phát triển đúng định hướng và có hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Huy động mọi nguồn lực phát triển nhà trường
Hiệu trưởng cần nắm vững nguồn lực của nhà trường là tập hợp các yếu tố mà nhà trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, bao gồm: Nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất, nguồn lực thông tin.
Trên cơ sở nắm vững các nhân tố bên trong và bên ngoài nhà trường ảnh hưởng đến nguồn lực, Hiệu trưởng xác định được vai trò của mình trong việc huy động các nguồn lực phát triển nhà trường. Quy trình huy động các nguồn lực phát triển nhà trường thực chất là thực hiện các chức năng quản lý, đó là các chức năng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra. Lập kế hoạch huy động các nguồn lực của nhà trường là thiết lập một hệ thống các vị trí cho mỗi cá nhân và bộ phận, sao cho các cá nhân và bộ phận có thể kết hợp với nhau một cách tốt nhất để thực hiện các mục tiêu về huy động các nguồn lực của nhà trường. Lãnh đạo huy động các nguồn lực trong nhà trường là việc định ra chủ trương đường lối, mục đích, tính chất, nguyên tắc hoạt động của nhà trường để huy động các nguồn lực. Kiểm tra là quá trình xem xét các hoạt động nhằm mục đích làm cho các hoạt động đạt kết quả tốt hơn, đồng thời kiểm tra giúp phát hiện ra những sai sót, sai lệch để có biện pháp khắc phục đảm bảo cho hoạt động huy động các nguồn lực thực hiện đúng hướng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác đổi mới trong quản lý giáo dục trong nhà trường đòi hỏi người Hiệu trưởng cần phải có năng lực, trình độ, có quyết tâm, bản lĩnh, năng động, sáng tạo… nghĩa là đòi hỏi ở người Hiệu trưởng phải có tâm và có tầm.
5. Phát triển giáo dục toàn diện học sinh
Lãnh đạo và quản lý phát triển giáo dục toàn diện học sinh là lãnh đạo và quản lý các hoạt động dạy học, giáo dục trong trường phổ thông giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản hình thành nhân cách con người Việt Nam, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiệu trưởng cần phải trang bị cho mình cách nhìn mới về chương trình quản lý giáo dục, đó là: Tập trung vào việc lãnh đạo quản lý nhà trường là một vấn đề cấp thiết, vì rằng xu hướng đẩy mạnh phát triển toàn cầu đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển trước hết phải nhanh chóng tiếp cận với tư duy mới. Tập trung vào việc lãnh đạo quản lý, vào sự đổi mới, thực tế hiện nay cần phải thay đổi một số vấn đề như sau: Đối với giáo viên còn nhiều bất cập về phân công lao động, chế độ tiền lương. Đối với học sinh vẫn còn một số em cá biệt, ham chơi hơn ham học. Đối với phụ huynh: Không hài lòng về cơ sở vật chất trường lớp, còn phó thác về trách nhiệm giáo dục cho nhà trường...
6. Đảm bảo tính dân chủ, công bằng
Muốn đổi mới quản lý giáo dục trong nhà trường, người Hiệu trưởng cần tổ chức đánh giá xếp loại thi đua một cách khách quan, dân chủ và đảm bảo tính công bằng. Xây dựng quy chế khen thưởng phù hợp với tình hình của nhà trường nhưng vẫn động viên khích lệ được cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ngoài ra còn đổi mới công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó tập trung và làm tốt công tác huy động nguồn lực xây dựng nhà trường. Việc đổi mới trong công tác xã hội hóa cần làm tốt công tác phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội./.
Người viết
Đỗ Thị Minh Yến