Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là một sinh hoạt chính trị đã và đang lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Hà Đông cũng tích cực hưởng ứng bằng nhiều việc làm cụ thể thiết thực. Với cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục quận Hà Đông, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được thể hiện qua những việc làm giản dị trong đời sống thường ngày. Tất cả đều hiểu rằng chính những việc làm đó sẽ chung tay, góp công sức và trí tuệ để xây dựng quận Hà Đông ngày càng giàu đẹp.
Góp mặt trong tấm gương điển hình đó là những cán bộ quản lý giáo dục thật sự có tâm và có tầm. Tôi muốn nói đến một tấm gương "Người tốt, việc tốt" như thế: Nhà giáo Đỗ Thị Minh Yến - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kiến Hưng - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội.
Nhà giáo Đỗ Thị Minh Yến
Chị nhận quyết định luân chuyển công tác về trường Tiểu học Kiến Hưng đầu tháng 11 năm 2015. Khi biết tin, bạn bè và người thân đều ái ngại cho chị vì Tiểu học Kiến Hưng lúc bấy giờ cơ sở vật chất hầu hết đều đã quá cũ và ọp ẹp. Cũ và ọp ẹp cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chất lượng đội ngũ giáo viên không được đánh giá cao. Chân ướt, chân ráo. Khó khăn chất chồng. Có lẽ Quận uỷ, UBND quận Hà Đông đã thật sự đã gửi gắm niềm tin vào chị, tin chị sẽ đem lại luồng gió mới cho ngôi trường ven đô.
Với bản lĩnh và kinh nghiệm của người làm quản lý giỏi, cộng với bản tính “thu va hà vén” đặc trưng của người phụ nữ phương Đông, cùng phương châm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, bộ mặt nhà trường đã thay đổi nhanh chóng. Chỉ trong một tháng, cơ sở vật chất tuy chưa có gì mới, vẫn còn nghèo nàn nhưng sạch sẽ và bố trí gọn gàng, ngăn nắp. Cảnh quan nhà trường cũng trở nên sống động với những chậu cây hoa lấp ló, vui mắt ở góc cầu thang, nhà xe, nơi rửa tay... Chính những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy đã tạo cho cán bộ, giáo viên và học sinh một cảm giác thoải mái, vui tươi khi đến trường, đến lớp. Chị ưu tiên hàng đầu cho việc sắm sửa bàn ghế học sinh trong các lớp học, khắc phục căn bản tình trạng lớp đông, ngồi chật.
Bộ máy nhân sự cũng được chị sắp xếp lại và kiện toàn theo đúng phương châm “chọn mặt gửi vàng” từ Hội đồng nhà trường, Ban trung tâm, Tổ trưởng chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên… Chị yêu cầu mỗi thành viên từ cán bộ, giáo viên đến nhân viên; từ Hiệu trưởng đến nhân viên nhà bếp, lao công đều phải nỗ lực hết mình vì học sinh, vì sự phát triển của nhà trường. Bản thân chị làm gương. Chị bám lớp, bám trường. Ngày làm việc của chị bắt đầu từ 6h30 và kết thúc 19h30, chỉ đạo điều hành tất cả mọi hoạt động, từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, từ kiểm tra, đánh giá đến điều chỉnh, hoàn thiện. Chị cuốn mọi người theo mình hướng tới mục tiêu: Từng bước nâng cao chất lượng của Tiểu học Kiến Hưng.
Nhiệm vụ trọng tâm là chuyên môn được đặt lên hàng đầu. Ngay từ những ngày đầu mới bước chân về trường, chị đi dự giờ của khắp lượt giáo viên, tham dự đầy đủ chuyên đề của các tổ khối. Từ đó, chị đã có những nhận định rất sát tình hình chất lượng chuyên môn và ngay lập tức có những chỉ đạo quyết liệt, phá vỡ tảng băng “ì ạch” trong tác phong làm việc. Sự vững vàng về chuyên môn, kinh nghiệm dày dặn của những ngày tháng làm giáo viên đứng lớp đã giúp chị có những nhận xét, đánh giá các tiết dạy của giáo viên rất xác đáng, những chỉ đạo chuyên môn chi tiết, khả thi và rất hiệu quả.
Trước mỗi vấn đề của nhà trường, tùy lĩnh vực mà chị tổ chức họp bàn với Ban trung tâm hay Hội đồng nhà trường để lấy ý kiến, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, có giám sát, kiểm tra, đánh giá. Chị huy động sự vào cuộc của tất cả các thành viên nhà trường trong mọi công việc, kiên quyết loại bỏ thái độ thờ ơ, “được chăng hay chớ”, “mũ ni che tai”. Chính bằng cách điều hành “tổng lực” như thế mà tất cả các hoạt động nhà trường diễn ra bài bản, nhịp nhàng đúng trình tự, đúng qui chế nhưng không thiếu đi sự linh hoạt. Chị đòi hỏi ở mỗi cá nhân sự năng nổ, nhiệt tình, tìm tòi sáng tạo, trách nhiệm với công việc được giao và không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp. Nhờ đó, khi có những vướng mắc dù lớn, dù nhỏ đều được giải quyết hiệu quả, hợp lí, hợp tình.
Thường thì ai cũng cho rằng đã là Hiệu trưởng thì phải làm cho người khác “sợ” mình, Hiệu trưởng là phải có “uy”. Hiệu trưởng Đỗ Thị Minh Yến của chúng tôi làm cho người khác “sợ” mình bằng sự công khai, công tâm, công bằng và tạo “uy” cho mình bằng sự tận tâm, cống hiến không biết mệt mỏi vì nhà trường; sự thận trọng trong công việc, sự nghiêm túc trong việc thực hiện nội quy, quy chế.
Nhiều người đã rất bất ngờ khi thấy chị thẳng thắn nhận lỗi trước cuộc họp Hội đồng vì đã quên tắt quạt khi ra khỏi phòng làm việc. Một chuyện chẳng ai biết. Chị cho rằng không ai biết nhưng tự bản thân mình biết. Chỉ một câu chuyện nhỏ như vậy để thấy chị là người trung thực, nghiêm túc như thế nào. Được làm việc cùng chị, ai cũng thấy mình thực sự trưởng thành và hiểu sâu sắc thế nào là yêu nghề, thế nào là yêu trẻ; hiểu thế nào là đoàn kết nội bộ và thế nào là làm gương. Lòng nhiệt thành, sự nhiệt huyết, tự tin trong công việc của chị đã thực sự lan tỏa tới mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên. Quan sát chị điều hành công việc, mọi người nhận ra rằng bên cạnh những hình ảnh tiêu cực xấu xí còn có những người quản lý làm việc thực sự không vì hư danh mà vì một điều lớn lao hơn nhiều. Đó là vì một thế hệ tương lai sánh vai cùng năm châu bốn biển như Bác Hồ hằng mong đợi. Tiêu biểu cho những người cán bộ như vậy chính là đồng chí Hiệu trưởng Đỗ Thị Minh Yến của Tiểu học Kiến Hưng.
Đối với học sinh, chị thường gần gũi, chuyện trò. Bọn trẻ cũng rất yêu quý cô Hiệu trưởng của mình. Bọn trẻ có thể kể cho cô Yến nghe đủ thứ chuyện. Nhiều lần các con khoe với tôi về những món quà cô Yến tặng: khi là cái bút chì, lúc là cục tẩy, cái thước, cái kẹo… Trong những ánh mắt ngời ngợi niềm vui ấy, tôi đọc thấy niềm tự hào và cả niềm hạnh phúc. Là giáo viên đứng lớp, được học trò yêu quý là chuyện dễ hiểu, là Hiệu trưởng mà được học trò yêu quý như chị, liệu có bao nhiêu người?
Chị cũng rất “được lòng” phụ huynh học sinh thông qua những việc làm vì học sinh, vì quyền lợi chính đáng của học sinh. Bằng chứng là phụ huynh ủng hộ nhà trường trên mọi phương diện. Khi cả xã hội chao đảo bởi những thông tin xấu về thực phẩm bẩn ở bếp ăn bán trú trong cơ sở giáo dục, áp lực nặng nề lên toàn ngành thì bếp ăn của Tiểu học Kiến Hưng vẫn hoạt động bình thường. Có được như vậy là ngay từ đầu chị tổ chức thực hiện đúng quy định: thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm gồm Ban giám hiệu cùng các cô giáo chủ nhiệm luân phiên đến sớm để giám sát thực phẩm trước khi nhập vào bếp ăn để chế biến; thay đổi thực đơn và thông báo về sự thay đổi này đến phụ huynh. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, số học sinh ăn bán trú của nhà trường vẫn được duy trì 100%. Rõ ràng lòng tin của phụ huynh đối với nhà trường là rất cao. Tất cả những phụ huynh đã được tiếp xúc với chị đều đánh giá Hiệu trưởng trường Tiểu học Kiến Hưng là một người giỏi giang trong điều hành nhà trường và tinh tế trong ứng xử với quần chúng nhân dân.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị cùng với đội ngũ giáo viên, nhân viên đã bước đầu gặt hái được thành công: Nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang; hai đơn nguyên 3 tầng vừa được xây mới và đưa vào sử dụng, các phòng học được trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn chiếu sáng, quạt trần, quạt tường, rèm che nắng, rèm cửa, trang thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, ti vi. Một thư viện đạt chuẩn và nhiều phòng chức năng đang tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện
Chất lượng đi cùng thành tích của nhà trường mỗi năm lại nâng lên.
Gần bảy năm, từ tháng 11 năm 2015 đến nay, nhà giáo Đỗ Thị Minh Yến đã cùng Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên cốt cán tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả việc bồi dưỡng, dìu dắt giáo viên của tất cả các tổ khối về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong các kì thi Giáo viên dạy Giỏi cấp trường, cấp Quận các thầy cô có rất nhiều giờ dạy tốt, dạy hay; năm nào cũng đạt giải cao: 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích; nhân viên thư viện, nhân viên văn thư tham gia cuộc thi về ứng dụng CNTT cũng đạt giải Nhì, giải Ba… 100% giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm; nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại A, B cấp trường, cấp quận, cấp Thành phố…
Chất lượng thực chất của học sinh qua từng năm cũng được chuyển biến rõ rệt. Các phong trào thi đua được chú trọng. Ngoài những giờ học tập hăng say trên lớp, học sinh còn được tham gia vào các hoạt động tập thể vui tươi, bổ ích: Hội trăng rằm, Lễ Giáng sinh, Hội chợ xuân…Trong các cuộc giao lưu, các sân chơi trí tuệ, học sinh của chị xuất sắc đạt những giải cao: Giải Nhất cuộc thi Tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám của thành phố Hà Nội năm học 2017 - 2018, giải Nhất Fetival Tiếng Anh của quận Hà Đông hai năm liền, giải Ba Giai điệu tuổi hồng; đội tuyển Olympic Tiếng Anh, đội tuyển TDTT cũng đạt được nhiều giải cao…
Nhà trường trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Khi đại dịch SART-CoVi 2 bắt đầu có những dấu hiệu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dạy-học, chị đã có những quyết sách nhanh chóng, kịp thời: chỉ đạo cho giáo viên và học sinh tiếp cận sớm với các ứng dụng dạy trực tuyến. Chị tổ chức tập huấn cho giáo viên theo các hình thức đa dạng, linh hoạt: mô hình tổ-khối, mô hình trường, liên trường và quận. Trong suốt ba năm học ứng phó với Covid-19, trường Tiểu học Kiến Hưng là một trong những trường sớm nhất trên địa bàn quận Hà Đông triển khai dạy trực tuyến và gần ngay lập tức khi có quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc này. Vì được tổ chức bài bản và có kế hoạch dài hơi nên các hoạt động dạy-học dù là trực tuyến vẫn diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả. Các hoạt động chuyên môn như: dự giờ thăm lớp, sinh hoạt tổ khối, ra đề, kiểm tra đánh giá vẫn được tiến hành, giúp tăng cường năng lực nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, nhằm cập với đòi hỏi của tình hình mới. Chất lượng chuyên môn qua các tiết chuyên đề cấp Quận, cấp Cụm đều được đánh giá cao. Bên cạnh đó, các hoạt động của các bộ phận, phòng, ban khác trong nhà trường vẫn được tổ chức thực hiện theo đúng luật định về trường Tiểu học và phù hợp với hoàn cảnh mới.
Phía sau sự chuyển mình ngoạn mục của trường Tiểu học Kiến Hưng như đã nêu đều có bóng dáng của người Hiệu trưởng tài năng Đỗ Thị Minh Yến. Trên khắp khoảng trường rộng, mỗi gốc cây, bồn hoa, mỗi khuôn mặt hân hoan; từ sự tự tin trong những tiết học đến sự vẻ rạng rỡ, say mê trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa; trên những tấm huy chương, cờ thi đua, bằng khen, giấy khen của cả thầy và trò đều đậm dấu ấn của nhà giáo Đỗ Thị Minh Yến. Đó là điều mà tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh đều công nhận. Qua cách làm việc chuyên nghiệp của chị, người ta hiểu thế nào là “văn hoá của người đứng đầu”, cảm nhận được sâu sắc về ý nghĩa thực sự của TÂM và TẦM.
Trường Tiểu học Kiến Hưng dưới sự chỉ đạo điều hành của chị đang có những bước tiến vững chắc, khẳng định cả về chất lượng chuyên môn và các hoạt động giáo dục khác trong những trường tốp đầu của quận Hà Đông.
Để ghi nhận những đóng góp cho nền giáo dục của quận Hà Đông, Thủ đô Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung, chị đã được Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Bằng khen. Nhà giáo Đỗ Thị Minh Yến thực sự là niềm tự hào của trường Tiểu học Kiến Hưng.
Hà Đông, ngày 2 tháng 3 năm 2022
Người viết
Lê Thị Nguyệt Thanh